"Một sự kết hợp cổ điển giữa thịt heo, rau ngâm, rau mùi, ớt và một lớp patê được kẹp bởi một chiếc bánh mì giòn, xốp" là đoạn miêu tả vô cùng hấp dẫn của CNN về bánh mì Việt trong top 50 các món ăn đường phố phải thử ở châu Á.
Theo CNN, người Pháp có thể đã du nhập bánh mì baguette vào Việt Nam nhưng món bánh mì nổi tiếng ngày nay chính là một sáng tạo độc đáo của người Việt.
Cùng với chiếc bánh mì giòn rụm, 1 ly cà phê đá là sự kết hợp tuyệt vời để bắt đầu 1 cuộc trò chuyện với những người bạn mới.
Được phục vụ bởi những người bán hàng rong, có thể chỉ với vài chiếc ghế đẩu nhựa hay trong 1 quán sang trọng, du khách có nhiều không gian để lựa chọn. Uống đen đá, pha thêm chút sữa đặc, 1 chút đường hoặc trộn với nước cốt dừa... cách để thưởng thức 1 ly cà phê đá Việt Nam cũng vô cùng phong phú.
Không thể thiếu trong danh sách này chính là món phở mà CNN nhận định "rất ít món ăn đường phố nào trên thế giới có thể cạnh tranh với phở của Việt Nam".
Phở được biết đến với nước dùng thơm và đậm đà, sợi phở dai và thịt bò (hoặc thịt gà) mềm, đi kèm với nhiều loại gia vị tươi ngon như rau thơm, giá đỗ, chanh, tương ớt, ớt cắt lát... Du khách có thể tự điều chỉnh gia vị để có được 1 bát phở thơm ngon đúng ý.
Trong khoảng 1 thập kỷ qua, ẩm thực Việt liên tục được truyền thông quốc tế vinh danh trong các bảng xếp hạng. Bắt đầu từ năm 2014, bánh mì Việt Nam đã tạo nên "cơn sốt" mới của ẩm thực đường phố trên toàn thế giới, vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới theo bình chọn của Huffington Post. Cùng năm, trang National Geographic cũng đưa bún chả Hà Nội vào danh sách 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới.
Vào năm 2015, chuyên trang CNN Travel tiếp tục đưa ra kết quả bình chọn đất nước có ẩm thực được du khách yêu thích nhất và món nem rán của Việt Nam góp mặt trong danh sách này. Phở cùng gỏi cuốn cũng được CNN xếp trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới. Đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ The Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn trên thế giới...
Theo các chuyên gia, ẩm thực Việt Nam có rất nhiều lợi thế để chinh phục du khách từ khắp nơi trên thế giới. Ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch. Nếu có thể biến Việt Nam thành 'bếp ăn của thế giới', toàn bộ kinh tế, hệ thống dịch vụ tại chỗ sẽ được kích thích, phát triển, phần lợi nhuận nhà nước thu được từ tỷ lệ 70% này sẽ ngày càng lớn./.