Lạp xưởng tươi Cần Giuộc - Hương vị đặc trưng của miền hạ

Nguyễn An Bình

Cần Giuộc - nơi hội tụ nhiều món ngon đặc sản như mắm còng, cốm ngò,... Và thật thiếu sót khi về Cần Giuộc mà không thưởng thức món lạp xưởng tươi ở khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Về khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc tìm hiểu nghề sản xuất lạp xưởng tươi, được sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chúng tôi đến gia đình ông Thiều Quan Thiện (chủ Cơ sở lạp xưởng tươi Hoàng Linh, khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc) - một trong những gia đình có truyền thống làm lạp xưởng tươi lâu đời của địa phương.

Nhấp ngụm trà, ông Quan Thiện nói: “Gia đình tôi có kinh nghiệm làm lạp xưởng tươi hơn 80 năm. Hiện cơ sở làm 2 loại lạp xưởng tươi: Lạp xưởng thịt và lạp xưởng tôm đất. Để có món lạp xưởng ngon phải trải qua nhiều công đoạn như chọn thịt còn tươi nóng, đem về xay rồi ướp với rượu (rượu trắng ngâm với các vị thuốc tạo mùi theo bí quyết riêng của mỗi cơ sở); đồng thời, phải thêm các gia vị: Tỏi, đường, tiêu hạt,... Riêng mỡ cũng xắt nhỏ cỡ hạt lựu, ướp đường cùng gia vị cho đến lúc có độ trong mới đem trộn với thịt. Yêu cầu lạp xưởng tươi phải không nhiều mỡ, nướng hay hấp ăn phải có cảm giác như ăn một miếng thịt tươi, vị hòa lẫn giữa mặn và ngọt, mùi tiêu thơm nồng, béo, cay. Còn lạp xưởng tôm thì nguyên liệu chính là thịt con tôm đất, theo tỷ lệ 80% tôm, 20% thịt và mỡ”.

201-2022-32-959-z3813537136376-413ec0141f94bc008e6b5fc56ceea010-1677830029.jpg
Hội đồng Xét duyệt công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh thăm cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi tại khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc

Lạp xưởng tươi Cần Giuộc thiên về vị chua ngọt, ít mặn, nhiều thịt, tôm, ít mỡ, thân ngắn, có nhiều hạt tiêu, có loại tròn nhỏ gọi là lạp xưởng bi. Lạp xưởng tươi Cần Giuộc cũng khá đa dạng về chủng loại như lạp xưởng thịt, lạp xưởng tôm đất, lạp xưởng bò, lạp xưởng thịt trứng muối,...

Theo chia sẻ của các bậc cao niên, nghề làm lạp xưởng tươi khởi xướng từ gia đình bà Ngô Thị Năm (SN 1912) và bà Lê Thị Nhạn (SN 1910), buổi đầu đến vùng đất ven rạch Trị Yên sinh sống và lập nghiệp, với nghề bán thịt tại chợ Cần Giuộc. Thuở đầu, vì muốn tiết kiệm, tận dụng không bỏ phí những mẩu thịt trong quá trình làm thịt heo, để tạo ra thêm món ăn, các bà khéo tay làm những chiếc lạp xưởng cho gia đình và quà biếu cho người dân trong xóm. Được người dân trong xóm khen ngon, gia đình mới nghiên cứu để làm ra chiếc lạp xưởng chất lượng. Từ năm 1940, lạp xưởng tươi Cần Giuộc được sản xuất bán đại trà tại các chợ, cung đường mà khách thập phương đi từ TP.HCM về Cần Đước, Gò Công và miền Tây với hàng chục hộ làm nghề. Còn ngày nay, lạp xưởng tươi được làm khắp nơi trong huyện Cần Giuộc, trong đó tập trung nhiều ở khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc chia sẻ: “Từ lâu, lạp xưởng Long An đã khẳng định uy tín, thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, trong đó có lạp xưởng tươi Cần Giuộc. Lạp xưởng là món ngon của người Hoa nhưng với sự sáng tạo, người dân Cần Giuộc tận dụng các sản vật sẵn có từ địa phương chế biến thành những chiếc lạp xưởng mang hương vị rất đặc trưng của quê hương miền hạ. Đây chính là nét độc đáo, điểm nhấn của món lạp xưởng tươi Cần Giuộc mà hiếm địa phương nào có được".

Vừa qua, Hội đồng Xét duyệt công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh tổ chức Hội nghị xét duyệt công nhận nghề truyền thống đối với nghề sản xuất lạp xưởng tươi tại khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc. Theo đó, Hội đồng nhận thấy nghề sản xuất lạp xưởng tươi đủ tiêu chí để được công nhận là nghề truyền thống. Đây là tín hiệu vui, ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết của người dân làm nghề; đồng thời, giúp địa phương có cơ sở tiếp tục giữ gìn và phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã, kiểu dáng, nhất là hình thành các sản phẩm tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường./.

Lê Ngọc

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN