Trung Quốc mở cửa, cơ hội lớn cho hoạt động quốc tế của toàn ngành du lịch?

Nguyễn An Bình

Hội thảo với chủ đề ‘Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam’ diễn ra vào ngày 9/1 vừa qua được đánh giá là rất phù hợp với bối cảnh Trung Quốc cho phép mở lại các hoạt động du lịch kể từ ngày 8/1/2023.

screenshot-2023-02-13-020212-1676228560.png
Hội nghị 'Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam’

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi lễ, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định: ‘Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng là 17% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc.

Những cố gắng và nỗ lực phục hồi, phát triển du lịch của các cơ quan quản lý từ cấp trung ương tới địa phương, chung tay đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã giúp ngành du lịch đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đồng thời, trong bối cảnh có thể có nhiều biến chủng COVID mới, cần có những biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh!'.

Vậy nên, việc thống nhất phương thức quản lý một cách chặt chẽ và khai thác hiệu quả thị trường này là cần thiết và cấp bách. 

screenshot-2023-02-13-020227-1676228560.png
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Trên thực tế, sau đại dịch COVID-19, nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn thế giới đã có nhiều thay đổi. Trong đó khách Trung Quốc cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Việt Nam rất cần những sản phẩm mới với chất lượng cao và sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng khách hàng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: ‘Việc đầu tiên, chúng tôi đang tích cực làm việc và trao đổi với các cơ quan chức năng nước bạn qua các kênh chính thức để nắm bắt được các thông tin và chủ trương về việc nối lại các hoạt động du lịch quốc tế, từ đó chúng ta có sự chủ động trong việc chuẩn bị, đón tiếp. 

Trong đó, các cơ sở hạ tầng như: cơ sở giao thông, cơ sở lưu trú và một số loại hình vui chơi giải trí, đều đã sẵn sàng để phục vụ khách. Đối với các doanh nghiệp thì trong tháng này cũng tập trung vào vấn đề đào tạo đội ngũ lao động, từ cơ sở lữ hành cho đến cơ sở mua sắm, nhà hàng.'.

Mặt khác, lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL chỉ đạo, xem xét, thống nhất và có giải pháp trong việc áp doanh thu tính thuế của các doanh nghiệp lữ hành đang khai thác thị trường này.

Đồng thời, qua công tác quản lý tại địa bàn tỉnh, ông Thuỷ kỳ vọng: ‘Để khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch inbound từ Trung Quốc, cần có chính sách, cơ chế quản lý, cách thức phối hợp quản lý phù hợp, đồng bộ để khai thác khách, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các địa phương trong công tác quản lý. Khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn đối với du lịch Việt Nam, nếu các tồn tại từ hoạt động lữ hành và các hoạt động khác có liên quan tiếp tục diễn ra sẽ có tác động tiêu cực đến việc thu hút khách từ thị trường này. Mặt khác, khi một địa phương tập trung quản lý chặt chẽ đối với hoạt động lữ hành và các hoạt động khách có liên quan, thì dòng khách sẽ chuyển đến địa phương khác với các hình thức vi phạm tinh vi hơn.'.

Bà Đặng Thị Như Quỳnh - Trưởng ban kinh doanh tập đoàn Sun Group đánh giá đây là một Hội nghị đặc biệt quan trọng: ‘Chúng tôi cũng dự đoán trước là trong thời điểm cuối 2022, đầu 2023 Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, chính vì vậy tập đoàn đã gấp rút đi vào thi công và khánh thành, hoàn thiện cung đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, việc này giúp rút ngắn và giảm thiểu thời gian di chuyển cho khách từ cửa khẩu đến trung tâm thành phố Hạ Long, bên cạnh đó sân bay quốc tế Vân Đồn với lợi thế là sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, nên chúng tôi đã xây dựng những gói khuyến mại, giảm giá cho những đơn vị dịch vụ lữ hành và các hãng bay dành riêng cho những dòng khách thường xuyên bay đi, bay đến ở Vân Đồn. 

Để thúc đẩy việc này, chúng tôi cũng liên tục làm việc với các đại lý du lịch trong nước và nước ngoài, đặc biệt là phía thị trường Trung Quốc, để có thể quảng bá và mang đến hình ảnh thân thiện, thuận tiện, cao cấp về hạ tầng của Quảng Ninh. Bên cạnh đó, những sản phẩm trong hệ sinh thái như vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cũng được chúng tôi chú trọng chính sách dành cho đại lý hoặc khách theo đoàn.’.

Được biết, dự kiến dòng khách du lịch Trung Quốc sẽ quay trở lại vào tháng 5, nên tập đoàn đã xây dựng những chính sách và cơ sở vật chất đặc biệt để có thể chủ động trong công tác đón tiếp.

Liên quan đến nhu cầu đi lại của người dân, đại diện Cảng HKQT Vân Đồn thông tin: ‘Thời điểm Trung Quốc vừa mới mở cửa trở lại này thì nhu cầu đi lại của người dân thiên về thăm thân, công cán và hợp tác kinh doanh nhiều hơn là đi du lịch. Thường thời điểm cao điểm du lịch của họ cũng vào khoảng tháng 5 giống khách Việt Nam, và phía Trung Quốc cũng dự đoán là phải đến cuối tháng 3 thì mới có khách du lịch. 

Tuy nhiên họ đang có xu hướng lựa chọn những thị trường như Thái Lan, Malaysia, Singapore bởi chính sách Visa cởi mở của họ, chính vì vậy cần phải xem lại về các chính sách của nước mình. Về phía hạ tầng thì Quảng Ninh là một địa phương có nhiều ưu thế khi vừa có cửa khẩu đường bộ, vừa có sân bay quốc tế Vân Đồn. Lợi thế của sân bay Vân Đồn là khoảng cách địa lý, bay gần nhất. Hạ tầng thuận tiện như vậy cũng giúp quảng bá nhiều hơn. Vì vậy, Quảng Ninh có thể đạt được mục tiêu 14 triệu lượt khách trong năm sau hay không phụ thuộc khá nhiều vào nhóm đối tượng khách này.’.

Bà cũng thể hiện mong muốn: ‘Trước đây cũng đã có series charter, đều đặn 1 tuần 3-5 chuyến, gần như ngày nào cũng có, tuy nhiên mình bị gián đoạn do dịch. Năm mới này chúng tôi cũng mong muốn, ngoài việc nối lại các charter cũ, có thể mở thêm các đường đến những địa phương khác của Trung Quốc nữa!’.

Lãnh đạo công ty CP đầu tư quốc tế Cam Ranh - bà Lê Thị Hồng Minh nhấn mạnh về công tác tập huấn và chuẩn bị đón tiếp: ‘Dịch xảy ra cũng là thời điểm chúng tôi phải nhìn lại toàn bộ các hoạt động của mình. Về phía sân bay cũng tăng cường, bổ sung rất nhiều trang thiết bị. Chúng tôi rất vui mừng với thông tin này và sẵn sàng đồng bộ để chuẩn bị tốt cho công tác tiếp đón. 

Lượng khách Trung Quốc khi quay trở lại làm cho tất cả các doanh nghiệp chúng tôi cũng như chính quyền đều nhận thấy đây là một tín hiệu rất tích cực. Chúng tôi cũng sẽ dành những ưu đãi, ưu ái nhất cho du khách đến đây và đặc biệt là đã chuẩn bị rất kỹ về những công tác để phục vụ khách trong điều kiện mới này!’.

Như vậy, với hành vi và thói quen của du khách đã được thay đổi, thì các điều kiện phục vụ cũng được thích ứng phù hợp hơn.

T.Đ

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN