Nơi thành lập Tỉnh ủy Chợ Lớn đầu tiên
Tháng 11/1930, Xứ ủy chỉ đạo thành lập Tỉnh ủy Chợ Lớn, cử đồng chí Lê Quang Sung - Xứ ủy viên, về Trung Quận (nay là Bến Lức) triệu tập hội nghị thành lập Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn. Hội nghị được tổ chức bí mật tại nhà ông Nguyễn Tấn Tảo (Xã Tảo), làng Long Hiệp, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Tham dự hội nghị có các đồng chí đại diện Xứ ủy Nam kỳ: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xuân Luyện, Lê Quang Sung; các đảng viên hoạt động địa bàn Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An: Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Văn Tốt, Phan Văn Hảo, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Khương.
Đồng chí Ung Văn Khiêm thay mặt Xứ ủy, chủ trì, nêu mục đích, yêu cầu và sự cần thiết thành lập Tỉnh ủy Chợ Lớn để công tác tổ chức, lãnh đạo của Đảng thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Sau khi thảo luận, hội nghị bầu ra 5 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ đầu tiên tỉnh Chợ Lớn; phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí: Đồng chí Lê Quang Sung được bầu làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ là Phó Bí thư; các đồng chí: Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Khương và Nguyễn Văn Tốt là Tỉnh ủy viên.
Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn được thành lập là sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt lịch sử; thống nhất về tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình đấu tranh chống giặc Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn đều là những chiến sĩ trung kiên của Đảng, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng.
Từ những hạt giống đỏ này, phong trào cách mạng ở tỉnh Chợ Lớn và Nam kỳ được khơi dậy và ngày càng phát triển, góp phần cùng cả nước đánh bại kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chính vì thế, sự kiện thành lập Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn là mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An) và cả Nam bộ nói chung.
Phục nguyên công trình văn hóa - lịch sử quan trọng
Với những nội dung, giá trị lịch sử quan trọng, tiêu biểu nêu trên, nhà Long Hiệp được UBND tỉnh quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 119/QĐ.UB, ngày 27/01/1994).
Nhà Long Hiệp được xây dựng giữa thế kỷ XIX, tồn tại đến năm 1994, đã bị hư hỏng hoàn toàn
Trải qua thời gian và chiến tranh, năm 1994, Nhà Long Hiệp hư hỏng hoàn toàn. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Nhà Long Hiệp được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp huyện Bến Lức khôi phục lại Nhà Long Hiệp giống nguyên trạng ban đầu; xây dựng Bia lưu niệm sự kiện thành lập Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn, tháng 11/1930 tại di tích; lập đề cương trưng bày di tích.
Nhà Long Hiệp vừa được phục nguyên hoàn tất vào cuối năm 2022
Nhà Long Hiệp là địa điểm lưu niệm sự kiện thành lập Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn và là kiểu nhà tiêu biểu cho kiến trúc nhà dân dụng tầng lớp khá giả ở nông thôn tỉnh Chợ Lớn giữa thế kỷ XIX. Để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, năm 2021, huyện Bến Lức đầu tư kinh phí phục nguyên nhà Long Hiệp với kết cấu kiến trúc và diện tích ngôi nhà Long Hiệp xưa. Nội thất và chi tiết trang trí của ngôi nhà bảo đảm giống như ban đầu. Công trình hoàn thành năm 2022.
Nội thất nhà Long Hiệp sau khi được phục nguyên
Với tinh thần khẩn trương, tích cực của các cơ quan chức năng và địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Nhà Long Hiệp đang được thực hiện và sẽ sớm hoàn thành, để nơi đây trở thành một trong những công trình lịch sử - văn hóa trọng điểm của tỉnh, giáo dục truyền thống cách mạng và phục vụ tham quan, du lịch./.
Văn Hiếu