Long An tìm hướng phát triển du lịch

Huy Hoàng

Có vị trí gần TP HCM, nhiều tiềm năng về sinh thái, lễ hội, văn hóa song Long An vẫn đi sau nhiều địa phương về phát triển kinh tế du lịch.

Theo ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, ngành du lịch của địa phương nhiều năm qua là nỗi trăn trở vì đang ở giai đoạn chớm nở, vẫn đang tìm hướng để phát triển. Cửa ngõ của vùng Tây Nam Bộ có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, có nhiều di tích lịch sử cách mạng quan trọng,... song tỉnh vẫn còn hạn chế về đầu tư, cơ sở vật chất, nhân lực. Du khách chỉ đi ngang qua Long An chứ ít khi dừng chân hay ở lại qua đêm.

Trong Hội thảo Phát triển du lịch Long An, sáng 20/9, ông Được bày tỏ mong muốn các chuyên gia, lãnh đạo ngành du lịch đưa ra phân tích, đánh giá và hiến kế giúp tỉnh khai thác hết tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

7530-1663728240-1664981724.jpg
Người dân rửa hoa súng trên đồng lũ ở Long An. Ảnh: Lê Hoàng Thái

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) cho rằng vị trí của Long An có lợi thế lớn nhất là nằm gần TP HCM, thị trường khách du lịch lớn của cả nước, là cửa ngõ của cả Đồng bằng sông Cửu Long, có thể kết nối sang Campuchia. Tỉnh tuy đi sau về du lịch nhưng có thể rút kinh nghiệm từ địa phương khác, phát triển các loại hình du lịch mơi. Khách nội địa có xu hướng chuộng điểm đến phổ biến nhưng khách ngoại quốc thích sự mới mẻ, hoang sơ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Khoa Du lịch, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, Long An hiện nay đã xây dựng khá hoàn chỉnh website và các ứng dụng quảng bá, tương tác trong lĩnh vực du lịch. Thời gian tới, địa phương cần khai thác thêm những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên di sản văn hóa. Trong đó, du lịch lễ hội gắn với sản xuất nông nghiệp và di sản văn hóa là hướng đi có thể tiếp cận.

Các chuyên gia nhận định ngành du lịch cần cá biệt hóa du lịch lễ hội, tạo ra tính hấp dẫn cao; hình thành thương hiệu, sản phẩm đặc thù để có sự cạnh tranh. Long An cũng có thể xây dựng bảo tàng lịch sử, bảo tàng sinh học nông nghiệp của vùng để phục vụ du lịch trải nghiệm, giáo dục.

Nhiều đánh giá cho rằng Làng Mai Tân Tây, huyện Thạnh Hóa là một trong những điểm nhấn để xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng cho địa phương. Hiện tại, du lịch làng mai được ví như "tờ giấy trắng" nên thuận lợi trong việc hướng dẫn, định hướng phát triển theo hướng bền vững. Du lịch làng mai không những mang lại giá trị kinh tế mà còn khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp, tạo nên thương hiệu du lịch gắn với nông nghiệp địa phương.

Lãnh đạo tỉnh cũng đề xuất tập trung xây dựng các dự án du lịch nông nghiệp gắn với cây chanh và du lịch nông thôn gắn với làng mai; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe dành cho người lớn tuổi tại Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười.

Long An được nhiều người biết đến với đôi dòng Vàm Cỏ xuất hiện trong nhiều tác phẩm thi ca, âm nhạc cùng truyền thống văn hóa lịch sử. Tỉnh hiện có 123 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp Quốc gia, 102 di tích cấp tỉnh, 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nhiều lễ hội và làng nghề truyền thống cùng những di sản văn hóa phi vật thể khác. Tỉnh có hệ sinh thái đặc trưng vùng ngập nước, nổi bật với các giá trị cảnh quan như rừng tràm, lau sậy, đầm sen, hoa súng, sông nước, vườn cây trái, những cánh đồng lúa, rau màu và nhiều loại động vật.

Hội thảo về du lịch nằm trong tuần lễ văn hóa - du lịch tỉnh Long An. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn nhằm kích cầu du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa. Sự kiện diễn ra trong 5 ngày, từ 17/9 đến 21/9, với chuỗi 13 hoạt động gồm lễ hội ẩm thực đường phố; giao lưu đờn ca tài tử; giao lưu các loại hình nghệ thuật dân tộc; cuộc thi hoa khôi, famtrip... cùng một số hoạt động thể thao: giải marathon, giao lưu bóng chuyền.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, trong 8 tháng năm 2022, địa phương đã thu hút được trên 500.000 lượt khách.

Hoài Phương

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN