Trong xu hướng đó, mô hình kinh doanh của các công ty du lịch cũng buộc phải khác trước, khi công nghệ đang mở ra những kênh bán hàng mới và tiếp cận gần hơn với khách.
"ChatGPT hãy thiết kế tour"
"ChatGPT, hãy thiết kế một tour khám phá hang động trong 2 ngày ở Việt Nam". Sau lệnh này, những hang động đẹp của Việt Nam được lên lịch trình. Các hoạt động gợi ý cần làm gì cũng được tư vấn sẵn cho khách. Việc còn lại của du khách chỉ là tự tính toán đặt các dịch vụ.
Chị N.T.N. (Thủ Đức, TP.HCM) cũng hỏi ChatGPT thông tin gợi ý để đi tour khám phá Sài Gòn xưa và cho hay đã được tư vấn cụ thể các điểm tham quan, lịch trình từng ngày cụ thể. "Thậm chí với thông tin yêu cầu càng chi tiết thì tư vấn của ChatGPT rõ ràng không kém gì nhân viên sale của công ty du lịch" - chị N. nói.
Giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM cho rằng ChatGPT đang làm công đoạn khó nhất của một du khách là xác định các điểm đến, và thiết kế thời gian một cách hợp lý, trong đó có thời gian di chuyển.
Khác với việc khách tra cứu từng thông tin rời rạc trên các trang tìm kiếm, việc dùng ChatGPT cho người đi du lịch có một tour trọn vẹn. Vấn đề còn lại của khách là kiểm tra giá cả, chi phí để có mức tối ưu. Hình thức này rất hữu ích với những địa điểm mà hoạt động quảng bá chưa tốt, chưa đến được với người dân.
Ông Nguyễn Châu Á, tổng giám đốc Công ty Oxalis Adventure, xác nhận công nghệ đang thay đổi cách vận hành của ngành du lịch, du khách không còn muốn phải qua những công ty trung gian với sản phẩm tour cố định mà thích tự thiết kế một chương trình riêng. Và với các công cụ có sẵn của các ứng dụng và nền tảng công nghệ, những thao tác này đang ngày càng trở nên dễ dàng.
Không chỉ du khách mà việc áp dụng công nghệ đang được nhiều công ty trong lĩnh vực du lịch tận dụng. Mới đây, nền tảng Agoda còn sử dụng ChatGPT để sáng tác các bài thơ có nội dung ca ngợi điểm du lịch, đồng thời gợi ý luôn các món ăn và trải nghiệm cho du khách.
Ông Vũ Ngọc Lâm, giám đốc Agoda Việt Nam, nhìn nhận công nghệ là yếu tố tác động đến hành vi thị trường du lịch trong thời gian qua.
"Du khách Việt có xu hướng sử dụng công nghệ để săn được ưu đãi tốt và lên kế hoạch chuyến đi. Bằng cách sử dụng giải pháp fintech và AI, họ có thể tìm được những lựa chọn tốt nhất về chuyến bay, nơi lưu trú, hoạt động vui chơi chỉ trong một nền tảng".
Cuộc đấu trí mới của người dùng: giá cả
Ông Vũ Ngọc Lâm cũng cho biết từ sau dịch, số lượng người sử dụng thương mại điện tử tăng lên đáng kể.
Hiện nay du khách khi quyết định du lịch một điểm đến nào đó, bước đầu tiên sẽ tìm kiếm khách sạn, đặt phòng online. Nếu họ tìm được loại phòng với giá phòng phù hợp, chính sách hủy phòng tốt, phương thức thanh toán thuận lợi thì quyết định đi sẽ diễn ra nhanh hơn.
Câu hỏi phổ biến nhất của người tiêu dùng là vì sao cùng một nền tảng, cùng một dịch vụ, hạng phòng nhưng hai vị khách cùng đặt vẫn cho ra hai mức giá khác nhau.
Như dịch vụ phòng khách sạn, giá được quyết định bởi rất nhiều yếu tố như vị trí địa lý người đặt, lịch sử sử dụng, thời điểm đặt phòng. Ở đây, nếu số hóa càng nhiều thì điều kiện để giảm giá các dịch vụ, tăng lựa chọn cho du khách sẽ hỗ trợ tính cạnh tranh cho du lịch Việt Nam nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Châu Á, công nghệ nếu được các doanh nghiệp du lịch tận dụng hiệu quả sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào các công ty lữ hành trung gian, trực tiếp làm việc với du khách và có những nắm bắt thị hiếu để điều chỉnh kịp thời. Tất nhiên điều này không đơn giản.
Đây là cuộc cạnh tranh đa chiều mà người hưởng lợi sẽ là khách hàng. Thực tế gần đây người dùng đã có thể kết nối qua tính năng chat, tổng đài bằng tiếng Việt, dùng tính năng thay đổi và hủy phòng… thay vì kết nối thụ động như trước đây.
Tăng vai trò của mạng
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc điều hành Klook Việt Nam, xu hướng đi du lịch mới của người dân buộc các nền tảng phải tiếp tục hợp tác với nhiều doanh nghiệp và điểm du lịch địa phương hơn để mở rộng danh mục sản phẩm du lịch nội địa, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch tại điểm đến cho những khu vực ít người biết đến.
Với đặc thù của một công ty về cung ứng dịch vụ, những nền tảng du lịch trực tuyến không chỉ dừng lại việc bán hàng mà sẽ dùng các số liệu, dữ liệu từ người dùng để phân tích rõ hơn hành vi, từ đó hợp tác với các địa phương và điểm đến để cùng quảng bá, hoàn thiện sản phẩm du lịch.
Công nghệ giúp giảm bớt áp lực nhân sự
Tại TP.HCM, từ sau dịch đến nay, khái niệm "khách sạn thông minh" đang được người tiêu dùng để ý nhiều hơn. Trong đó, một số khách sạn đã triển khai công nghệ phục vụ cho việc self check-in - làm thủ tục mà không cần tiếp xúc với nhân viên lễ tân - đáp ứng nhu cầu giữ khoảng cách an toàn. Khách tự scan thông tin cá nhân hay có thể dùng Face ID check-in nên thuận tiện.
Nhờ cách vận hành này mà số lượng nhân sự bằng 1/5 so với mô hình khách sạn thông thường, trong đó self check-in - tiết kiệm nhân sự lễ tân, vending machine - bán các loại nhu yếu phẩm cần thiết giúp thay thế room service, mô hình self service như tự giặt ủi với mức giá hợp lý cũng giúp giảm nhân lực bộ phận buồng phòng...
Như Bình/Báo Tuổi Trẻ